Truy cập hiện tại

Đang có 295 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

(TUAG)- Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước. Trải qua các giai đoạn cách mạng, từ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển rộng khắp, góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
 

Cùng với “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có nhiều bài nói, bài viết về vấn đề này, nổi bật là: “Thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc” (23/8/1951), “Bài nói tại Đại hội các chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc” (01/5/1952)… tạo nên một hệ thống tư tưởng toàn diện về thi đua yêu nước.

Về đối tượng thực hiện thi đua yêu nước, trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá”(1).

Về mục đích của thi đua yêu nước, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”(2), để “toàn dân đủ ăn mặc, toàn dân biết đọc, biết viết, toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới…”(3) Từ đó thực hiện “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”(4).

Về cách tổ chức phong trào thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”(5). Người căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỷ mỹ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”(6). Người nhấn mạnh: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích cổ động, xem xét kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người) trong lúc thi đua phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”(7).

“Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào (những ngày kỷ niệm là những đợt để lấy đà và để kiểm thảo, chứ không phải qua những ngày ấy rồi lại nghỉ thi đua), không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào”(8). Nghĩa là thi đua không phải chỉ trong một giai đoạn nhất thời mà phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ, có như thế mới đảm bảo được tính toàn diện cũng như ý nghĩa của việc thi đua.

Về phương châm thi đua yêu nước, Người nhấn mạnh: “Thi đua chứ không phải ganh đua” nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao; thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua.

Ngày 01/5/1952, trong “Bài nói tại đại hội các chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”(9). Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc.

Có thể thấy, quan điểm thi đua là yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng truyền thống của lịch sử văn hoá dân tộc Việt Nam, đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường của con người Việt Nam. Người đã lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu. Ngược lại, lấy lòng yêu nước thúc đẩy phong trào thi đua.

Cùng với việc đưa ra quan điểm toàn diện về thi đua yêu nước, ngày 1/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 195-SL về việc thành lập Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương và Ban vận động thi đua ái quốc các cấp. Trong quá trình phong trào thi đua ái quốc được phát động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo sát từng bước đi của phong trào.



Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành kịp thời đường lối, chủ trương và chính sách, pháp luật về thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Điển hình như: Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 23/01/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước... Quốc hội đã ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng (2003); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (2013). Chính phủ đã ban hành: Chỉ thị số 35/CT-TTg, ngày 19/12/2014 về việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng…

Hiện nay, nhân dân cả nước vẫn đang tiếp tục thực hiện sôi nổi các phong trào thi đua yêu nước, như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Các ngành, các giới, các lĩnh vực trong xã hội triển khai nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động, tiêu biểu như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” (công nhân); “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” hay “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng-an ninh” (nông dân); “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” (cán bộ, công chức); “Thi đua dạy tốt, học tốt” (giáo dục); “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” (phụ nữ); “Cựu chiến binh gương mẫu” (Cựu chiến binh); “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” hay “Sinh viên tình nguyện” (thanh niên); “Thi đua quyết thắng” (quân đội); “Công an nhân dân học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy”...

Các phong trào thi đua yêu nước bám sát yêu cầu thực tiễn đất nước, gắn bó mật thiết với quyền lợi và cuộc sống của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực. Qua các phong trào thi đua đã có nhiều tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu được tôn vinh, khen thưởng kịp thời, trở thành những tấm gương điển hình trong các phong trào thi đua các cấp, mang lại hiệu quả xã hội to lớn.

76 năm đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, đất nước và dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử; uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, chúng ta càng nhận thức rõ hơn về giá trị cả về lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đó không chỉ là những chỉ dẫn, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy tinh thần yêu nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, mà còn là sự cổ vũ, dẫn đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước giàu mạnh, văn minh hiện nay./.

______________
(1), (2), (3), (4), (5): Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội-2011, t.5, tr.556-557.
(6), (7), (8): Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđd, t.7, tr.146.
(9): Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđd, t.7, tr.407.

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
38034382